Backdrop là gì? Thiết kế backdrop cần chú ý điều gì?

Mạnh Hùng · 2020-02-18 16:24:47 · 30466 lượt xem
image - Backdrop là gì? Thiết kế backdrop cần chú ý điều gì?

Backdrop là một trong những ấn phẩm cần thiết khi tổ chức sự kiện. Vậy khi thiết kế Backdrop cần chú ý điều gì? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

I. Backdrop là gì?

Backdrop hiểu đơn giản chính là phông nền sân khấu. Trước kia Backdrop thường được sử dụng tại đám cưới, ngày nay thì đã được sử dụng rộng rãi ở khắp các sự kiện giải trí từ ca nhạc, nghệ thuật đến các sự kiện tính chất nghiêm túc như cuộc họp, hội thảo, khai mạc. 

Phân loại Backdrop có rất nhiều cách: theo chất liệu, mục đích sử dụng, kích thước, v.v…

-Theo chất liệu, có thể kể đến Backdrop in hiflex/ PP; backdrop màn hình LED, backdrop vải, giấy, hoa và các chất liệu khác.

-Theo mục đích sử dụng, có backdrop sân khấu, backdrop chụp ảnh check-in, backdrop lễ tân,...

-Theo kích thước, tùy theo mặt bằng cơ sở, vị trí đặt/ treo mà có thể yêu cầu phía nhà in làm theo ý mình. 

Chi tiết về các loại backdrop và công dụng cụ thể bạn có thể đọc thêm bài viết: Backdrop là gì? Những đặc trưng cơ bản của backdrop

II.Những điều cần chú ý khi thiết kế Backdrop

1. Ý tưởng thiết kế

Ý tưởng thiết kế luôn là thứ khiến designer “điên đầu” làm sao cho tác phẩm của mình đẹp-độc-lạ. Tuy nhiên backdrop lại có đặc thù sử dụng (sân khấu) nên cũng cần có 1 số “form” nhất định để đảm bảo thông tin và thẩm mỹ cho sự kiện. Các designer đôi khi sa vào sáng tạo hay phá cách, sẽ không phù hợp với yêu cầu từ bên tổ chức, thì rất tốn công sức. Vì vậy lời khuyên của mình là bạn nên tham khảo một số mẫu backdrop được thiết kế sẵn rồi “áp” ý tưởng của mình theo concept đó, sẽ an toàn hơn. 

Bạn có thể truy cập Pinterest và gõ từ khóa “backdrop”, sẽ có vô vàn mẫu thiết kế đẹp đẽ, chuyên nghiệp để tham khảo. 

2. Text trên Backdrop

Trước khi bắt tay vào thiết kế, bạn nên liệt kê những thông tin cần thiết trên ấn phẩm (tên chương trình, đơn vị tổ chức, nhà tài trợ, thời gian, slogan, v.v..) để tránh thiếu sót, từ đó lên bố cục đặt text cho phù hợp. 


Kích thước Text: Backdrop được sử dụng trên sân khấu hoặc để chụp ảnh check-in nên cỡ chữ phải hợp lý để khán giả có thể nắm bắt và hiệu quả về mặt hình ảnh truyền thông. Để làm được điều này thì bạn cũng cần phải phân cấp thông tin.

- Tên chương trình thường sẽ có kích thước to rõ ràng nhất, đặt ở trung tâm, nếu dùng typography thì không quá rối mắt để dễ nhìn hơn.

- Các thông tin ít quan trọng hơn như: thời gian, địa điểm, slogan,..thì có kích cỡ nhỏ hơn, và ở vị trí không phải trung tâm (đặt ở góc dưới). 

- Logo nhà tài trợ, đơn vị tổ chức thì đặt ở góc trên.

Font text: như đã nói ở trên, tên chương trình nên sử dụng những font to, rõ ràng (thường là sans-serif) để đảm bảo truyền tải thông tin, ngoài ra thì tùy tính chất chương trình sẽ có điều chỉnh phù hợp. Các trường thông tin khác thì nên sử dụng những font mảnh, dễ đọc. Nhớ quy tắc là chỉ sử dụng tối đa 3 font trong cùng 1 ấn phẩm nhé!

Màu Text: tránh sử dụng những màu khiến text bị chìm vào background. Đừng suy nghĩ máy móc là màu đỏ thu hút nên nhất định để text màu đỏ nhé. Đây là lỗi nhiều người nhập môn thiết kế hay mắc phải, và nó chỉ tạo cảm giác bức bối cho mắt thôi. Nếu an toàn thì cứ dùng quy tắc tương phản là chắc chắn nhất: nền tối - chữ sáng, và ngược lại. 

Về phối màu sao cho đẹp thì bạn có thể sử dụng công cụ Adobe Color, tham khảo các palette màu đẹp trên mạng nhé.  

3. Sự đồng bộ

Backdrop cùng với Poster, Banner, Standee là một bộ ấn phẩm truyền thông của sự kiện. Vì vậy chúng cần có sự đồng bộ, nhất quán về mặt hình ảnh cũng như phong cách. Một số sự kiện tính chất nghiêm túc như cuộc họp, đại hội,..thì có thể không cần tuân theo quy tắc này mà chỉ cần sạch đẹp, rõ ràng, cơ bản là được. 

Khi chạy một sự kiện thì ngoài bộ ấn phẩm in ấn (offline) còn sử dụng bộ ấn phẩm online (avatar, cover, banner online) nữa. Một số designer thường đơn giản lấy luôn cover facebook làm file để in backdrop. Chà. Đừng nhé, bạn nên tạo một file riêng và lấy các phần tử trên cover để sắp xếp thành backdrop cho hợp lý nha! 

4. Kích thước

Kích thước backdrop rất đa dạng, phụ thuộc vào mặt bằng cơ sở. Lời khuyên là bạn nên khảo sát địa điểm treo/ đặt backdrop kỹ lưỡng, có số liệu đo đạc càng tốt để làm backdrop vừa vặn với sân khấu. Để backdrop chạm trần hoặc chìa ra ngoài bục sân khấu thì kì cục lắm đó. 

Một số kích thước Backdrop phổ biến bạn có thể tham khảo: 4x2.5m; 4x3m; 5x3m; 6x3m;..

5. Thi công Backdrop

Khi thiết kế backdrop bạn cũng nên biết backdrop đó sẽ được thi công thế nào. Một số backdrop thi công theo cách cũ là đục lỗ ở 4 góc, vậy nên bạn đừng để thông tin gì trên backdrop sát vào phần góc nhé, uổng lắm đó. Tóm lại, các thông tin nên đặt cách viền backdrop một khoảng cách an toàn. 

TẠM KẾT

Trên đây là một số lời khuyên để các bạn có thể thiết kế backdrop một cách suôn sẻ, sạch đẹp. Nếu bạn đang băn khoăn thiếu kỹ năng hay kiến thức nền tảng để bắt đầu thiết kế, có thể tham khảo ngay khóa học Illustrator cơ bản của ColorME nhé! Đảm bảo chỉ sau 8 buổi sẽ thấy mình tiến bộ vượt bậc đó! 

Mạnh Hùng · 2020-02-18 16:24:47 · 30466 lượt xem
Đánh giá bài viết

Inspiration of the day

Designers are meant to be loved, not to be understood.
Margaret Oscar, designer
Từ khóa nổi bật
Khoá học Photoshop Hà Nội