Brief là gì? Những lưu ý quan trọng khi làm Design Brief

Kiều Anh · 2019-05-30 08:45:52 · 87366 lượt xem
image - Brief là gì? Những lưu ý quan trọng khi làm Design Brief

Brief là một thuật ngữ chuyên dùng trong ngành truyền thông-quảng cáo. Vậy brief là gì? Cần chuẩn bị những nội dung nào trong Brief để Designer phối hợp hiệu quả nhất? Đọc bài viết dưới đây để giải đáp mọi thắc mắc của bạn nhé

1. Brief là gì?

Có rất nhiều cái tên để gọi “Brief”, nó có thể là "Bản yêu cầu sáng tạo","Bản định hướng sáng tạo" hay dài dòng hơn với cái tên"Bản mô tả thông tin và yêu cầu công việc". 

Vậy Brief thực chất là gì? Brief là những thông tin cần thiết, cô đọng mà khách hàng (Client) cung cấp cho công ty dịch vụ Marketing (Agency), để họ hiểu được những yêu cầu của khách hàng. Brief được trình bày dưới nhiều hình thức khác nhau như: văn bản hay lời nói, nhưng thông thường brief thể hiện bằng powerpoint sẽ trực quan và đầy đủ thông tin nhất.

2. Phân loại Brief

- Communication brief: Là bản Brief sử dụng giữa Client và bộ phận Account trong Agency 

  • Project: Mục đích của của chiến dịch

  • Client: Tên đơn vị/công ty chủ đầu tư

  • Brand: Thông tin thương hiệu (Giới thiệu, đặc trưng, các hoạt động quảng bá trong quá khứ

  • Project Description: Mô tả những yêu cầu của dự án

  • Brand Background: Thông tin nền tảng (Thị trường/tình hình thương hiệu, các vấn đề mà thương hiệu đang gặp phải hiện nay, đối thủ cạnh tranh, điểm mạnh yếu của đối thủ..)

  • Objectives: Mục đích truyền thông (Tăng độ nhận diện thương hiệu, tăng doanh thu, tái định vị thương hiệu...)

  • Target Audience: Đối tượng mục tiêu (Thông tin nhân khẩu học, tâm lý, hành vi...)

  • Message: Thông điệp truyền thông chính (Khơi dậy/ truyền tải thông điệp nào đến đối tượng mục tiêu)

  • Coverage: Địa bàn thực hiện project

  • Budget: Ngân sách dành cho chiến dịch

  • Timing: Thời gian hai bên gặp nhau để trình bày ý tưởng lần đầu tiên

- Creative brief: Bản brief để Creative team làm việc

Sau khi có bản Communication brief trong tay, account sẽ chọn lọc những thông tin quan trọng, một cách ngắn gọn, súc tích và đầy đủ nhất rồi chuyển lại cho Creative team. Tại sao phải mất công làm điều này mà không sử dụng luôn Communication brief? 

Communication brief bao gồm rất nhiều thông tin về đối thủ, thị trường, tình hình kinh doanh...và không phải cái nào cũng cần thiết trong quá trình sáng tạo. Việc viết Creative brief sẽ giúp đội ngũ sáng tạo nắm bắt được các thông tin quan trọng, được định hướng chiến lược truyền thông và khơi nguồn cảm hứng sáng tạo qua các "keyword" đinh của chiến dịch.

Nội dung chính của một Creative brief gồm có 

  • Job Description: Hạng mục công việc cụ thể của bộ phận Creative

  • Target Audience: Thông tin về khách hàng mục tiêu

  • Single – Minded – Proposition (SMP): Điểm khác biệt nhất của sản phẩm có khả năng tác động đến hành vi, tâm lý của khách hàng mục tiêu

  • Key Response: Mục tiêu hành động của khách hàng sau chiến dịch (VD: Họ sẽ bàn tán về sản phẩm, họ đến địa điểm mua hàng,họ dùng thử dịch vụ...)

  • Desired Brand Character: Mong muốn cảm nhận khách hàng về sản phẩm/dịch vụ

  • Budget: Ngân sách dành cho chiến dịch

4. Brief cho designer

Trách nhiệm đầu tiên của designer là phải hiểu bản Brief, cho đến khi bạn tự tin là bạn đã hiểu một cách đầy đủ những mục tiêu và mong muốn của khách hàng. Vậy designer cần lưu ý những điều gì để hiểu bản brief một cách tốt nhất?

Xác định rõ mục đích và mục tiêu dự án

Điều đầu tiên bạn cần hiểu trong brief, đó là khách hàng của bạn muốn gì trong thiết kế mới của họ. Nâng cấp lại một thiết kế sẵn có, hay thiết kế một thứ mới hoàn toàn? Khách hàng đã có ý tưởng cho sản phẩm của họ chưa hay vẫn mơ hồ không biết mình cần gì?

Bạn cần biết rõ mục tiêu mà khách hàng muốn nhắm đến là gì để có thể dễ dàng triển khai ý tưởng cho bản thiết kế mà không chệch đi mục ban đầu.

Ngân sách và tiến độ dự án

Ngân sách có thể là một chủ đề nhạy cảm đối với một số khách hàng. Rất nhiều người cho rằng nếu họ tiết lộ ngân sách trước khi bạn báo giá sẽ gây bất lợi cho họ. Khách hàng sẽ cảm thấy bạn “hét giá” quá cao, hoặc bạn đang tính giá tối đa cho phần công việc tối thiểu bạn làm cho họ. Thế nhưng khách hàng không hề biết rằng, việc công khai ngân sách sẽ giúp designer điều chỉnh dịch vụ để mang lại lợi ích tốt nhất cho họ. Đây là phần bạn cần nhấn mạnh với khách hàng của mình để giảm thiểu những xung đột đáng tiếc trong quá trình chạy dự án.

Tiến độ dự án cũng quan trọng như ngân sách. Khách hàng hầu như sẽ không biết mất bao lâu để thiết kế một trang web tuyệt vời. Họ không hiểu rằng để có một thiết kế tốt cần phải có thời gian và được đầu tư kỳ công về chất xám sáng tạo.

Do đó hãy thẳng thắn với khách hàng của bạn về cả ngân sách và tiến độ dự án. 

Đối tượng mục tiêu

Khi lấy brief khách hàng, bạn phải nắm rõ đối tượng mà khách hàng của bạn đang cố gắng tiếp cận là ai? Một trang web thiết kế cho thanh thiếu niên sẽ có phần nhìn và hoạt động khác với một trang web được thiết kế cho những doanh nghiệp. Hãy hỏi khách hàng của bạn về đối tượng họ nhắm đến là ai ngay từ ban đầu.

Nếu khách hàng của bạn chưa xác định được người dùng cho website của mình, hãy hỏi xem khách hàng lý tưởng của họ là những người như thế nào. Chắc chắn client đã có hình dung nhất định về những người mua hàng và sử dụng dịch vụ của mình.

Phạm vi dự án

Không phải mọi dự án đều có chiều sâu như nhau. Một số khách hàng muốn một giải pháp mới hoàn toàn, trong khi những người khác chỉ muốn bạn điều chỉnh sao cho phù hợp với một mẫu sẵn có. Có những khách hàng muốn một trang web thương mại điện tử hoàn chỉnh với giỏ hàng, nhưng có khi họ lại chỉ cần một trang tài liệu cung cấp thông tin cơ bản về công ty cho đối tác là đủ.

Thường thường, phạm vi dự án đã được làm rõ ràng từ các mục tiêu của dự án. Ví dụ nếu mục tiêu của khách hàng là bán sản phẩm thông qua trang web của họ, thì thứ họ cần là một giải pháp thương mại điện tử. Tuy nhiên, nếu phạm vi công việc không rõ ràng, bạn cần phải hỏi ngay lập tức.

Phong cách tổng thể

Nắm bắt được phong cách thiết kế mà khách hàng yêu thích hay muốn hướng đến rất cần thiết. Hầu hết khách hàng đều có những điểm họ thích và không thích, nhưng không phải lúc nào họ cũng giỏi trong việc thể hiện quan điểm của mình.

Hãy yêu cầu account đưa các ví dụ trực quan về thiết kế khách hàng thích và không thích, kể cả thiết kế của đối thủ cạnh tranh. Bằng cách này bạn sẽ thu được insight có giá trị về thị hiếu khách hàng.

“Không”

Bên cạnh những điều khách hàng yêu thích, bạn cũng phải thuộc lòng những điều “tối kỵ” tuyệt đối cần tránh trong thiết kế của khách hàng. Giả dụ bạn thiết kế cho một nhãn hiệu đồ ăn nhanh nhưng ông chủ của nó lại vô cùng ghét màu đỏ, thì dù màu đỏ được ưa chuộng trong ngành hàng ăn uống, thì bạn cũng không thể dùng nó làm màu chủ đạo khi thiết kế cho nhãn hiệu ấy.  Hiểu “sở ghét” của khách hàng có thể giúp bạn tiết kiệm thời gian thiết kế cũng như giảm nguy cơ sửa đi sửa lại bản thiết kế, hay tệ hơn là “đập đi làm lại” từ đầu. 

Tạm kết, 

Brief là cánh cửa đầu tiên mà các agency nói chung cũng như designer nói riêng cần vượt qua để bước vào "ma trận" yêu cầu của khách hàng. Một bản brief không có đầy đủ những thông tin cần thiết thì dự án khó có thể tiến hành một cách trơn tru. Nếu bạn là một Designer muốn gia nhập vào agency, tham khảo khóa học Thiết kế đồ họa chuyên sâu tại ColorME để chuẩn bị những kỹ năng cần thiết nhé

Kiều Anh · 2019-05-30 08:45:52 · 87366 lượt xem
Đánh giá bài viết

Inspiration of the day

Designers are meant to be loved, not to be understood.
Margaret Oscar, designer
Từ khóa nổi bật
Khoá học Photoshop Hà Nội