Cẩm nang nhiếp ảnh cơ bản kì 01 · bố cục

Đức Hà · 2018-11-12 15:41:09 · 14230 lượt xem
image - Cẩm nang nhiếp ảnh cơ bản   kì 01 ·  bố cục

Cẩm nang nhiếp ảnh cơ bản kì 01 · bố cục

Bạn mong muốn chụp những bức ảnh đẹp ? Nhưng nhiếp ảnh không đơn thuần là cầm máy lên và “tách”, nó cũng có những quy tắc về bố cục mà người-mới-bắt-đầu cần biết để chụp ảnh chuyên nghiệp và bài bản hơn. 

Vậy bố cục là gì ? Có những bố cục cơ bản nào cần có cho bức ảnh ? Hãy cùng tìm hiểu 08 bố cục tiêu biểu trong nhiếp ảnh dưới đây nhé.

Bố cục, hiểu đơn giản, là cách bố trí các yếu tố khác nhau trong một khung ảnh. Các bố cục dưới đây đều nổi tiếng và là kinh nghiệm đúc kết từ những nhiếp ảnh gia đi trước để tạo nên một tổng thể bức ảnh hoàn hảo hơn.

  1. Bố cục một phần ba

Bạn chắc hẳn từng nghe đến bố cục quen thuộc này đúng không ? Quy tắc này khá đơn giản, bạn cần chia khung hình ra 9 phần bằng nhau với 2 đường kẻ dọc và 2 đường kẻ ngang. 

Những yếu tố quan trọng, thông thường, được đặt dọc theo một hoặc nhiều đường kẻ, hay có thể nằm ở các điểm giao đường kẻ. Quy tắc bố cục này giúp tấm hình trở nên cuốn hút hơn khi dẫn hướng nhìn của người xem có thể tập trung vào những đối tượng mà tác giả muốn. 

Như bức ảnh trên, đường dẫn dọc bên phải được dóng theo hình cây để thu hút người nhìn. 

2. Khung trong khung:

Một cách bố trí khác tạo nên chiều sâu cho khung ảnh. Khung hình ở đây có thể được tận dụng từ những mái vòm, khung cửa sổ nhà bạn, hay từ những cành cây nhô ra. Một khung hình không cần thiết phải bao bọc toàn bộ cảnh vật, có thể làm giới hạn bức ảnh. 

Vòm đá trên đóng vai trò tạo khung cho vùng trời và đá phía sau, tạo chiều sâu thú vị cho bức ảnh. Khung hình không chỉ giới hạn là những kiến trúc do con người xây mà còn có thể dùng từ những đối tượng từ tự nhiên như vách đá phía trên hay một thân cây nhô dài. 

Sử dụng bố cục Khung trong khung là một lựa chọn tuyệt vời để tạo chiều sâu bức ảnh và tạo khung ảnh từ chính các đối tượng xung quanh.

3. Bố cục trung tâm & đối xứng

Bố cục trung tâm đôi khi cũng đem lại hiệu quả cho các bức ảnh, đặc biệt là với các yếu tố/ cảnh vật đối xứng. Chúng mình có thể chụp những bức ảnh đối xứng ngang hoặc dọc tuỳ vào bối cảnh.

Tấm hình trên với bố cục trung tâm chia nửa ngôi chùa rất thú vị!

Tính đối xứng còn được thể hiện qua hình ảnh phản chiếu của sự vật trong khung hình. 

Hình ảnh phản chiếu của cành cây bên phải xuống con sông cũng là yếu tố tạo nên tính đối xứng hoàn hảo cho bức ảnh. 

4. Đường dẫn hướng

Như tên gọi của bố cục, đường dẫn hướng có thể là các đường hoa văn, bức tường, hay con đường, điều hướng ánh nhìn của người xem theo một đường dẫn chạy dài. 

Với bức ảnh trên, bạn có thể thấy đường dẫn hướng ở các con đường nhỏ giữa những dãy hoa tulip, tạo chiều sâu bức ảnh và còn có cả tính đối xứng. 

Đường dẫn hướng không phải luôn là một đường thẳng, mà còn có thể là những đường dẫn cong sẽ thêm phần đặc sắc và thú vị cho bức ảnh. Bức ảnh trên với đường dẫn hướng đã dẫn mắt người nhìn qua bên trái và lại sang phải, rất cuốn hút đúng không ?!

5. Lấp đầy khung hình.

Bố cục này phát huy tác dụng tốt nếu bạn muốn người xem chỉ tập trung vào một đối tượng cụ thể, không bị xao lãng bởi các yếu tố khác mà đi sâu vào chi tiết của một đối tượng. Ví dụ bức hình dưới nhé: 

Tấm ảnh bên trái hoàn toàn tập trung vào khuôn mặt của chú sư tử mà không có nhiều không gian xung quanh, như vậy, bạn sẽ tập trung được vào các chi tiết như đôi mắt, bộ lông của con sư từ này. 

Cách chụp này cũng sẽ phát huy sức mạnh khi chụp “dìm hàng” bạn bè đó, phải chụp cận mặt bạn nhé!

Một ví dụ khác nữa nhé! Hãy nhìn vào bức ảnh bên phải, chụp thành Roma bởi Alex Suprun. Cách chụp trên với rất ít không gian khác, tập trung thể hiện hoạ tiết và màu sắc lộng lẫy của thành Roma. 

6. Bố cục tiền cảnh và chiều sâu

Một gợi ý khác để tạo chiều sâu trong nhiếp ảnh, đó là bố trí tiền cảnh, hậu cảnh. Tiền và hậu cảnh, hiểu đơn giản là khoảng cách xuất hiện của yếu tố đó trong shoot hình so với nhiếp ảnh gia. Hay đối tượng chính của bức ảnh là tiền cảnh, các yếu tố còn lại chính là hậu cảnh, sự kết hợp tạo đươc cảm giác chân thật, 3D với bố cục này. 


Chỉ bằng việc bố trí thêm những yếu tố ở cự li gần như những phiến đá ở tấm ảnh trên làm tiền cảnh, khung hình của bạn đã thêm chiều sâu và thú vị hơn rồi!

7. Đơn giản & Tối giản (Minimalism)

“Less is more” - người phương Tây quan niệm như thế, và bố cục này cũng đi theo quan niệm đang thịnh hành đó. 

Sự đơn giản có thể từ việc chụp tập trung vào một đối tượng duy nhất với phần nền giản dị, không gây phân tán hoặc chụp zoom vào một đối tượng, chi tiết cụ thể. Một ví dụ cho bạn:

Bạn cảm nhận thế nào ? Phông nền trắng tinh khôi, màu hồng đậm của đoá loa kèn và xanh mạ của lá, kết hợp lại rất nhẹ nhàng và đẹp, dù người chụp chỉ tập trung một đối tượng duy nhất - đoá hoa. 

Hay bức ảnh hoàng hôn dưới đây cũng rất đơn giản nhưng tinh tế, nhờ bắt đúng khoảnh khắc và tận dụng tính đối xứng nhờ bóng mặt trời phản chiếu. 


8. Trái sang phải

Giống như thói quen đọc từ trái-sang-phải của chúng ta hằng ngày vậy, cách điều hướng ánh nhìn của người xem từ trái qua phải cũng thuận chiều và hài hoà. 

Như bức ảnh trên, tác giả tận dụng quy tắc “một phần ba” và cả “trái qua phải” trong khung hình. Cách kết hợp này tạo ra chuyển động sinh động cho bức hình. Một ví dụ thú vị khác:

Lời kết

Trên đây là 08 bố cục cơ bản mà người mới bắt đầu “chạm ngõ” nhiếp ảnh cần biết! Có thể  bạn sẽ chưa nhớ được hết các bố cục này, nhưng hãy luyện tập từng ngày nhé, đến lúc đó thì bạn có thể sẵn sàng để "ra tay" và xử lí được mọi bối cảnh rồi. 

Đức Hà · 2018-11-12 15:41:09 · 14230 lượt xem
Đánh giá bài viết

Inspiration of the day

Designers are meant to be loved, not to be understood.
Margaret Oscar, designer
Từ khóa nổi bật
Khoá học Photoshop Hà Nội