Logo các trường đại học đang ẩn chứa những gì? (phần 1)
Logo của mỗi trường thể hiện hình ảnh đặc trưng riêng và tầm nhìn sứ mệnh mà trường đó hướng đến. Hãy cùng colorME phân tích xem trong logo nhận diện của các trường đại học đang ẩn chứa những điều gì nhé!
1. ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN
Biểu tượng được thể hiện bằng hình tròn, được xây dựng trên ý tưởng nền của quả địa cầu màu xanh da trời. 3 quyển sách mở, tượng trưng cho 3 lĩnh vực quan trọng của xã hội về quản lý, duy trì và phát triển bền vững nền kinh tế quốc dân là: Thiên nhiên (thời tiết) - Địa lý, địa chất - Chủ thể con người, đối nhân xử thế (hàm ý là Thiên - Địa - Nhân) được thể hiện bằng màu trắng.
Bản đồ Việt Nam biểu tượng Quốc gia, bao gồm đất liền, chủ quyền biển đảo được cách điệu - Thể hiện màu đỏ và hàm ý là vai trò trọng điểm, hàng đầu của nhà trường trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh ở Việt Nam.
Hình tượng bánh xe 5 răng - thể hiện màu đỏ; tượng trưng cho nền công nghiệp Việt Nam hiện đại phát triển theo hướng công nghiệp hoá.
Hình tượng hai nhánh lúa (mỗi nhánh lúa có 25 hạt) tượng trưng cho nông nghiệp Việt Nam đang trên con đường hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn - thể hiện màu vàng. Hình tượng này hàm ý có sự cung ứng nguồn lực quan trọng của Trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân.
2. ĐẠI HỌC XÂY DỰNG
Một bàn tay nâng trang sách đang rộng mở, nở ra bông hoa (tượng trưng cho trí tuệ và nghệ thuật), cũng là tượng trưng cho viết tắt chữ XÂY DỰNG trong cụm từ “Đại học Xây dựng Hà Nội”, lại vừa như một viên gạch lát.
Các chữ được bố trí để tượng trưng cho một cần cẩu tháp, là một thiết bị không thể thiếu trong kỹ thuật xây dựng hiện đại. Logo kết hợp nét vuông và lượn tròn, thể hiện sự chắc chắn, nghiêm túc nhưng vẫn bay bổng, phóng khoáng
Màu trắng nói lên niềm hy vọng trong sáng và tinh thần kỷ luật. Màu xanh Royal mang ý nghĩa hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và sự vững chắc, tin cậy. Màu sắc nhận diện này thể hiện ý nghĩa “Một nền tảng khoa học vững chắc, tin cậy, tính kế thừa truyền thống, tâm huyết của đội ngũ cán bộ viên chức Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
3. ĐẠI HỌC BÁCH KHOA
Logo Đại học Bách khoa Hà Nội có dạng hình chữ nhật đứng theo tỉ lệ 2x3 với các biểu tượng: Chân chiếc compa đặt vào tâm bánh răng; đặt phía trên hình ảnh cuốn sách đang mở rộng; cùng với ngôi sao vàng trên nền đỏ.
Màu vàng: Mang ý nghĩa hiểu biết về công nghệ, sức trẻ và sự sáng tạo trong tư duy. Màu đỏ (đỏ đun): Nền tảng khoa học vững chắc, tính kế thừa truyền thống, tâm huyết của đội ngũ những người làm công tác giảng dạy và nghiên cứu.
Trang sách bên trái màu đỏ với ý nghĩa màu cờ Tổ quốc; trang sách bên phải màu trắng thể hiện sự trong trắng của sinh viên. Hình ảnh ngôi sao vàng 5 cánh tượng trưng cho sự soi sáng, dẫn đường của Đảng.
Chính giữa huy hiệu nổi bật lên hình bánh răng và compa màu vàng, tượng trưng cho lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật công nghiệp. Tác giả đã vẽ cách điệu bánh răng dáng mảnh giống hình tượng của Trái đất, và compa được vẽ thuôn nhọn với góc nghiêng 30 độ tạo dáng giống vệ tinh nhân tạo từ Trái đất bay lên.
“Hình ảnh này làm ta liên tưởng đến khát vọng của con người từ Trái đất vươn ra ngoài không gian bao la”. Những ý tưởng thiết kế đó đã tạo nên mẫu huy hiệu đẹp, một biểu tượng hoàn chỉnh tượng trưng cho Trường ĐHBK Hà Nội ngày ấy và đã tồn tại cho đến bây giờ.
4. ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG
Logo trường Đại học Ngoại thương được thiết kế từ ý tưởng về 3 chữ cái F-T-U – 3 chữ đầu của từ Foreign Trade University – tên tiếng Anh của trường ĐH Ngoại thương.
Ba chữ cái F-T-U trong thiết kế được cách điệu thành các khối liên tục, gọn gàng có lồng ghép, tạo nên một khối tổng hợp cân đối, vững chắc thể hiện một tinh thần đoàn kết, truyền thống tương thân tương ái của thầy và trò ĐH Ngoại thương.
Sự kết hợp phối màu trắng – đỏ trong thiết kế logo thể hiện đặc trưng của thương hiệu trường ĐH Ngoại thương, theo đó màu trắng là màu của sự khởi đầu, màu đỏ là màu của nhiệt huyết, sức mạnh, và chiến thắng. Màu đỏ kết hợp với màu trắng tạo ra sự nổi bật đối với thị giác, thể hiện tính hiện đại, năng động của nhà trường, thể hiện bản lĩnh của các thế hệ sinh viên đã được đào tạo từ mái trường ĐH Ngoại thương.
Sự nổi bật của khối FTU trên nền hình cầu màu đỏ là hình ảnh khẳng định vị thế của trường ĐH Ngoại thương trong điều kiện hội nhập quốc tế, thể hiện khả năng phát triển của nhà trường.
Logo trường ĐH Ngoại thương thể hiện sự kết hợp hoàn hảo giữa ngôn ngữ và hình ảnh, giữa hoạ tiết và màu sắc, là thông điệp về sức mạnh nội lực cũng như vị thế hiện tại và tương lai của trường ĐH Ngoại thương.
5. ĐẠI HỌC RMIT
Logo RMIT được chia làm 2 phần chính: phần biểu tượng và phần chữ tên thương hiệu. Biểu tượng trong logo RMIT có hướng chuyển động về phía trước tượng trưng cho sự vận động liên tục, luôn cập nhật, hướng về tương lai.
Phần chữ tên thương hiệu trong logo RMIT sử dụng kiểu chữ Serif đơn giản, có chân, các chữ có sự kết dính nhất định thể hiện sự liên kết chặt chẽ. Font chữ có chân tượng trưng cho tính bền vững, lâu dài của thương hiệu. Màu sắc trong logo RMIT kết hợp tông màu đỏ tươi và đen đơn giản nhưng nổi bật. Màu đỏ luôn thu hút chú ý, mang ý nghĩa về sự đam mê, nhiệt huyết. Màu đen mang đến sự bí ẩn và sang trọng.
Tổng thể thiết kế logo RMIT khá tối giản nhưng ấn tượng, đó cũng giúp cho thương hiệu dễ dàng được nhận biết trên truyền thông hay tại các chiến dịch Marketing.
TẠM KẾT
Logo nhận diện của mỗi trường đều có những ý nghĩa rất đặc biệt, thể hiện nét đặc trưng và tầm nhìn rất riêng. Hy vọng qua bài viết bạn đã có cho mình thông tin thú vị về logo nhận diện của các trường Đại học.
Ngoài ra, chính bạn cũng hoàn toàn có thể tạo nên những bộ nhận diện thương hiệu ấn tượng và hàm chứa rất nhiều ý nghĩa như thế. Hãy tham khảo ngay Khóa học Graphic Design của colorME để học cách thiết kế nên một bộ nhận diện thương hiệu hoàn chỉnh nha.
Đừng quên theo dõi Blog và Fanpage của colorME để cập nhật các tin tức và công cụ, xu hướng thiết kế trong thời gian tới bạn nhé!