Naming your brand - cẩm nang hướng dẫn đặt tên cho thương hiệu

Văn Quân · 2019-05-06 16:24:52 · 21295 lượt xem
image - Naming your brand - cẩm nang  hướng dẫn đặt tên  cho thương hiệu

Naming your brand - cẩm nang hướng dẫn đặt tên cho thương hiệu

Đặt tên cho thương hiệu ra sao luôn là vấn đề nan giải của doanh nghiệp. Một cái tên hay, ý nghĩa, dễ nhớ và bền vững sẽ giúp cho quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Dưới đây là một vài lưu ý khi bắt tay vào việc đặt tên thương hiệu.


1. Khai thác thông tin


Hiếm khi nào mà ý tưởng về cái tên sẽ nảy ra chỉ bằng việc ngồi không được. Trước khi tiến hành, chúng ta cần nghiên cứu và khai thác thông tin xung quanh thương hiệu.

  • Các đối thủ cạnh tranh sử dụng những cái tên gì?

Hãy nêu tối thiểu 10 cái tên của các đối thủ cạnh tranh, càng nhiều càng tốt. Việc này giúp tên thương hiệu của bạn không bị trùng hoặc mang ý nghĩa tương tự với tên của các thương hiệu khác. Ngoài ra, việc tìm hiểu những cái tên đó cũng giúp bạn rút ra được một vài phương pháp đặt tên.

  • Những từ nào miêu tả sản phẩm, thương hiệu của bạn?

Nêu ít nhất 20 từ liên quan đến thương hiệu của bạn. Chúng có thể là thể loại, dịch vụ, hình dáng sản phẩm, những cảm giác mà sản phẩm, dịch vụ mang lại...
Đừng chỉ dừng lại ở những tính chất, hãy liệt kê cả những danh từ, động từ. Nêu ra càng nhiều càng tốt, chúng sẽ là những tài nguyên vô cùng quý giá đó! 

Ví dụ:
Now (trạng từ)
Clear (tính từ)
Instagram (tính từ “instant” + danh từ “telegram”)
Dropbox (động từ “drop” + danh từ “box”)



  • Khách hàng của bạn là ai?

Việc xác định rõ thông tin về khách hàng như độ tuổi, mức thu nhập, văn hóa vùng miền giúp bạn hình dung rõ hơn về cách mà khách hàng phản ứng khi tiếp cận tên thương hiệu. Bạn khó có thể đặt một cái tên ẩn chứa quá nhiều nét nghĩa hàn lâm, sang trọng cho sản phẩm trong phân khúc bình dân. Cũng như không thể sử dụng một cái tên đáng yêu, ngộ nghĩnh cho một nhãn hàng cao cấp của người lớn. Hay như một cái tên tiếng Ả Rập rất có thể sẽ gây khó khăn cho khách hàng người Việt Nam.


2. Thế nào là một cái tên tốt?

 Ngắn gọn

Đặc điểm chung của các thương hiệu như Bing, Sony, Visa, Ford, Gap… là chúng đều ngắn gọn. Những cái tên gọn thì dễ nhớ. Việc này càng trở nên quan trọng hơn trong thời điểm hiện tại khi mà một cái tên ngắn sẽ giúp khách hàng có thể nhanh chóng nhớ chính xác và gõ đúng tên thương hiệu khi tìm kiếm trên website.
Một lời khuyên là tên chỉ nên có ít hơn 11 chữ và 3 âm tiết.

  • Đơn giản

Đơn giản không có nghĩa là phải ngắn hẳn. Có những cái tên rất ngắn nhưng do cách sắp xếp chữ cái không hợp lý nên trở thành phức tạp (ví dụ: Hoechst, flickr, Bvlgary, Yves). Cũng có những cái tên dài nhưng chúng ta vẫn có thể nhớ và viết lại dễ dàng (ví dụ: Microsoft, Starbucks, Baskin robbins)
Một mẹo để giúp bạn có một cái tên đơn giản và dễ nhớ hơn là trong tên nên có các nguyên âm o,a,i,e,u

  • Dễ đọc

Khi được người thân, bạn bè giới thiệu thì khách hàng sẽ có cảm giác tin tưởng hơn vào thương hiệu được nói tới. Vậy mấu chốt ở đây là chúng ta cũng nên có một cái tên “viết thế nào thì đọc như thế”. Dù khách hàng có thích thương hiệu của bạn đến mấy nhưng nếu tên thương hiệu khó đọc, khách hàng cũng sẽ cảm thấy khó khăn và ngại khi nói ra. Ví dụ một vài thương hiệu có tên dễ đọc như: Amazon, Pepsi, Coca-Cola, Fanta. Một vài cái tên khó đọc như: Hermès, Volkswagen, Givenchi.

  • Tính bảo hộ

Tên thương hiệu cần được bảo hộ nhằm tránh tình trạng bị hàng nhái hàng giả. Cái tên dù có ý nghĩa đến đâu nhưng nếu không được bảo hộ sẽ rất rủi ro cho doanh nghiệp.

  • Tên miền vẫn chưa nơi nào đăng ký

Ở thời đại hiện nay, website luôn là công cụ vô cùng hữu ích cho doanh nghiệp trong việc kinh doanh. Mỗi ngày có hàng ngàn tên miền được đăng ký. Một thương hiệu nên có một tên miền đồng bộ với cả tên thương hiệu. Sau khi có một vài lựa chọn về tên thương thiệu, bạn cần phải kiểm tra xem đã có đơn vị nào đã đăng ký tên miền với những cái tên đó chưa.
Một vài trang web giúp bạn kiểm tra về việc đăng ký tên miền:

  • matbao.net
    godaddy.com
    networksolutions.com

3. 9 cách đặt tên phổ biến


  • Sử dụng tên cá nhân

Rất nhiều thương hiệu lớn trên thế giới sử dụng tên của chủ doanh nghiệp hoặc người thân như Adidas, Disney, Trump, Dell. Kiểu đặt tên trên thường sẽ phù hợp với công ty tư nhân hơn. Nhưng bạn cũng cần lưu ý một điểm rằng vì tên riêng có thể sẽ bị trùng nhiều với người khác nên tên thương hiệu sẽ khó trở nên đặc biệt.

  • Viết tắt chữ cái đầu

Đối với những tên thương hiệu được ghép bởi nhiều từ, việc viết hẳn toàn bộ ra sẽ khiến cái tên dài dòng, gây khó nhớ cho khách hàng. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã chọn cách viết tắt chữ cái đầu để làm tên cho thương hiệu. Ví dụ: IBM (International Business Machine), UPS(United Parcel Service), BIDV (Bank for Investment and Development of Vietnam), KFC (Kentucky Fried Chicken)...

  • Mô tả chức năng, sản phẩm

Khi bạn muốn mô tả sản phẩm, dịch vụ của công ty một cách nhanh chóng thì đây là một lựa chọn phù hợp. Ví dụ như: Điện máy xanh, THtruemilk, Bia Sài Gòn. Kiểu đặt tên này thường phù hợp khi thương hiệu của bạn còn mới, chưa được nhiều người biết tới. Cũng cần lưu ý rằng kiểu đặt tên này đôi khi sẽ khiến thương hiệu bị bó hẹp về lĩnh vực kinh doanh. Hãng “Starbucks Coffee” đã phải đổi tên thành thành Starbucks Corp khi họ muốn lĩnh vực kinh doanh của mình không chỉ dừng lại ở cà phê mà còn là những sản phẩm như bánh ngọt, trà, chocolate.

  • Sử dụng những từ gợi tả cảm xúc sản phẩm mang lại

Phương pháp này giúp cho khách hàng liên tưởng tới những cảm giác mà họ muốn được nhận được từ sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Ví dụ: Bảo Tín, Clear, Sunsilk, Now...

  • Kết hợp từ

Khi đã khai thác được các được các từ mô tả thương hiệu của bạn, hãy thử kết hợp chúng với nhau. Bạn rất có thể sẽ tạo ra một cái tên rất ý nghĩa và dễ nhớ đó. Ví dụ như tên của hãng đồ chơi Lego là viết tắt của Leg-Godt có nghĩa là “chơi-tốt” trong tiếng Đan Mạch. Hãng chuyển phát quốc tế của Mỹ FedEx có tên là viết tắt của 2 từ Federal Express. Hay như TechComBank (Technology Commerce Bank)

  • Đặt tên theo ngôn ngữ nước ngoài

Trong thời đại hiện nay, khi mà khả năng tiếp cận với tiếng Anh và các ngôn ngữ nước ngoài khác ngày càng gia tăng, việc đặt tên thương hiệu theo tiếng nước ngoài cũng trở nên phổ biến hơn. Phương pháp này giúp cho tên thương hiệu trở nên thú vị. Ngoài ra nó còn gợi tới xuất xứ của sản phẩm qua ngôn ngữ thể hiện. Ví dụ : SUMO BBQ, Kichi- Kichi, Honda gợi tới nước Nhật; Chinsu, Samsung gợi tới Hàn Quốc...

  • Dựa vào một hình tượng mang ý nghĩa liên quan tới thương hiệu

Nike được lấy cảm hứng từ tên của vị nữ thần chiến thắng trong thần thoại Hy Lạp cổ đại. Bia Tiger dựa vào hình tượng con hổ nhằm gợi lên sự mạnh mẽ, nam tính của đàn ông. Hãng đồ bơi nữ của Mỹ Venus Swimwear cũng lầy cảm hứng từ tên của vị nữ thần sắc đẹp, tình yêu Venus. Sau khi đã khai thác được những tính chất, đặc trưng của thương hiệu, bạn hãy thử liên hệ chúng với những hình tượng đã có sẵn xem. Phương pháp này giúp thương hiệu thể hiện được cá tính một cách tinh tế và thú vị. Hãy cố gắng nghiên cứu và tìm hiểu thật sâu, mở rộng ra nhiều loại hình tượng (loài hoa, loài vật, các vị thần, hành tinh, tác phẩm văn học…). Thực tế là hiện nay những cái tên mang tính gợi tả đã được các thương hiệu đi trước khai thác rất nhiều rồi. 


  • Sử dụng những từ mang tính gợi tả

Có rất nhiều tranh cãi xoay quanh cảm hứng tạo nên tên thương hiệu Apple nhưng giả thuyết được nhiều người đồng ý nhất là do Steve Jobs thích ăn táo. Cái tên có vẻ như chẳng liên quan gì đến sản phẩm mà hãng này kinh doanh nhưng lại trở thành một trong những cái tên đắt giá nhất thế giới. Ngoài Apple ra cũng có rất nhiều những thương hiệu đi theo hướng đặt tên kiểu này, điển hình như Shell, Window, Black Berry...

  • Một cái tên trừu tượng

Những cái tên này thường là những từ vô nghĩa. Chúng ta sẽ sử dụng các phương pháp chơi chữ để tạo cho khách hàng những cảm xúc hoặc những liên tưởng khi đọc. Kiểu đặt tên này thường sẽ dễ dàng được đặt tên hơn vì chúng là những từ mới chưa có trong từ điển. Một vài ví dụ điển hình như: Oreo, Oshi, Google, Twitter...

Văn Quân · 2019-05-06 16:24:52 · 21295 lượt xem
Đánh giá bài viết

Inspiration of the day

Designers are meant to be loved, not to be understood.
Margaret Oscar, designer
Từ khóa nổi bật
Khoá học Photoshop Hà Nội