Tự học thiết kế đồ họa - 7 Tips cho khởi đầu thuận lợi
Thiết kế đồ họa đang ngày càng trở nên phổ biến vì ngành nghề đầy sáng tạo này đem lại vô vàn cơ hội việc làm tốt mà lại không đòi hỏi bằng cấp khắt khe của trường đại học. Ngày nay, số lượng bạn trẻ lựa chọn nghề thiết kế ngày một tăng, cũng không ít trong số họ lựa chọn con đường tự học, tự phát triển. Câu hỏi cần giải đáp là chúng ta nên bắt đầu việc tự học như thế nào đây? Nếu bạn đang băn khoăn, hãy để colorME “mách nước” cho bạn nhé!
- Công cụ phối màu slide thuyết trình cho tân sinh viên
- 8 tính năng mở rộng của Google cực hữu ích cho dân thiết kế
- Top 8 font chữ Việt hóa chủ đề Trung thu siêu độc lạ
- 10 tips designer phải biết để tạo cơ hội từ Instagram
- Chuyển ảnh thành vector cực đơn giản trong Illustrator
- Pattern là gì? Các loại Pattern thường gặp trong thiết kế
1. Phân tích để hiểu rõ từng bước làm thiết kế
Phân tích quá trình tạo nên 1 bản thiết kế sẽ giúp bạn nắm được các bước cần thiết để tạo nên chúng. Tùy thuộc vào trình độ hiện tại, bạn sẽ tiến bộ hơn trong việc nhận biết công cụ nào đã được sử dụng, hay phần nào trong thiết kế cần tạo ra trước. Đừng dừng lại, tiếp tục tìm hiểu cấu thành của các thiết kế sẽ khiến “cơ bắp sáng tạo” của bạn tăng trưởng.
> Việc bạn cần làm:
Cách nhanh nhất để thực hành phân tích là download các vector hoặc thiết kế dưới dạng PSD miễn phí trên mạng và xem qua cách các layers được sắp xếp để tạo ra những vật thể mới.
Hãy sử dụng Layers Panel trong Photoshop, chỉ cần chỉnh sửa hiển thị (visibility, kí hiệu con mắt) của các layers, bạn sẽ biết người thiết kế đã xây dựng và kết hợp các hình khối như thế nào.
2. Đừng chỉ học sử dụng công cụ, hãy học cả các nguyên lý và tư duy thiết kế
Việc học các công cụ như Photoshop, Illustrator, InDesign,... là điều không thể thiếu, tuy nhiên, để trở thành một designer chuyên nghiệp, bạn sẽ cần phải có tư duy và nắm rõ các nguyên lý thị giác khi thiết kế. Ví dụ như các yếu tố tạo nên 1 bản thiết kế là gì, quy tắc phối màu, cách phân chia bố cục, cách kết hợp font chữ, vv…
> Việc bạn cần làm:
Google - kho tài liệu miễn phí và đa dạng nhất thế giới. Các keyword bạn có thể tìm kiếm trên google là: visual elements of design hay design principles.
Tài liệu tham khảo có thể kể đến: Graphic design - The new basic (1st edition) và Graphic design - The new basic 2015 (2nd edition).
3. Tự làm lại một sản phẩm bạn thích
Hãy hiểu rõ hơn ý của mình: làm lại/đồ lại, đừng quảng bá nó như một sản phẩm bạn tự làm nhé, như vậy nghĩa là bạn đang vi phạm bản quyền của chủ nhân bản thiết kế ấy đấy!
Sau quá trình phân tích các bước làm và thực hành, bạn sẽ ghi nhớ chúng hơn và dần dần khi đã quen, chúng sẽ trở thành kĩ năng của bạn.
> Việc bạn cần làm:
Tìm 1 thiết kế bạn thích và phù hợp với năng lực hiện tại của bạn, bắt tay vào làm ngay thôi nào. Trong quá trình thực hiện, hãy chủ động tìm kiếm hoặc hỏi những người có kinh nghiệm khi cần giúp đỡ nhé!
4. Đừng ngại những lời nhận xét
Ở một mức độ nào đó thì chúng ta đều sợ nhận những lời chỉ trích, chúng ta sợ ý tưởng và thành quả của mình bị bác bỏ và sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Tuy nhiên, nếu không có những feedback mang tính xây dựng thì chúng ta sẽ không tiến bộ được.
Dù sao thì thiết kế cũng dựa theo cảm quan cá nhân khá nhiều, vậy nên ý kiến của người khác sẽ để dành cho việc tham khảo, họ nói khác không có nghĩa là bạn sai. Bạn có thể chấp nhận hoặc từ chối thay đổi, miễn là bạn có lí do cho quyết định của mình.
> Việc bạn cần làm:
Tốt nhất là hãy xin nhận xét từ những designer có nhiều kinh nghiệm.
Bạn không quen ai là designer ư? May mắn là bạn vẫn còn internet. Internet cho phép chúng ta kết nối với vô vàn designer và các newbie khác trong thiết kế - những người giống bạn.
Nếu bạn chưa tham gia 1 diễn đàn hay cộng đồng thiết kế nào, giờ chính là lúc đó đây. Cộng đồng thiết kế colorME là một môi trường cởi mở cùng rất nhiều người có đam mê và sở thích thiết kế. Bạn có thể đăng tải sản phẩm của mình vào đây và nhờ mọi người góp ý bất cứ lúc nào.
5. Thiết kế cho bản thân
Ở giai đoạn khởi đầu, bạn nên tập trung vào làm những gì khiến bạn hào hứng. Tự học đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và động lực. Trong trường hợp này, bạn không có động lực tên là “lãng phí tiền” như việc lớp học, vì vậy bản thân bạn sẽ là nguồn động lực chủ yếu.
> Việc bạn cần làm:
Để thiết kế phục vụ cho công việc của bạn. Nếu bạn là 1 blogger, hãy thử thiết kế ảnh header cho bài viết tiếp theo. Bạn đang tìm 1 công việc mới? Hãy tự thiết kế lại CV cá nhân. Có rất nhiều cách để đưa việc thiết kế vào trong cuộc sống của bạn, chọn 1 cách khiến bạn có nhiều động lực để làm nhất, đừng thiết kế chỉ vì bạn nghĩ mình phải làm, sự sáng tạo là không thể ép buộc.
6. Thu thập các sản phẩm đẹp để lấy cảm hứng
Tạo cho mình một bộ sưu tập các tác phẩm bạn thấy xuất sắc, việc này có thể được thực hiện rất đơn giản bằng cách đánh dấu (bookmark) lại các trang web có ảnh đẹp, ghim lại các tác phẩm trên Pinterest, hoặc lưu trực tiếp về máy để tham khảo. Càng xem nhiều, bạn sẽ dần nhận ra xu hướng, khuôn mẫu và cách thể hiện của nhiều người khác nhau, theo đó bạn sẽ tìm ra được phong cách mình ưa thích và phát triển nó thành phong cách cá nhân.
> Việc bạn cần làm:
Dành thời gian ghé thăm portfolio của các designer đầu ngành trên các trang như Dribbble hoặc Behance. Các nền tảng này cho chúng ta thấy sự phong phú của các tác phẩm chất lượng cao trong ngành, từ thiết kế UI UX, thiết kế đồ họa đến làm typography. Thậm chí còn có các designer chia sẻ về quy trình làm, rất hữu ích để bạn có thể tham khảo và tự bắt đầu sáng tạo.
7. Luôn cập nhật thông tin và các xu hướng mới
Nếu bạn luôn chủ động nghe ngóng và cập nhật các thông tin xoay quanh thiết kế, bạn sẽ quen hơn với các thuật ngữ trong ngành và luôn bắt kịp xu thế.
> Việc bạn nên làm:
Tạo 1 danh sách các trang web về thiết kế và 1 danh sách các designer có tiếng. Nếu có thể, hãy đưa vào cả những người truyền cảm hứng cho bạn lẫn những người với phong cách mà bạn không thích lắm. Nghe có vẻ hơi … trái khoáy, nhưng kiên trì quan sát thành nhóm như vậy sẽ giúp bạn hình thành sự đối chiếu và hiểu được tại sao mình lại không thích phong cách đó, cũng là một phần khá quan trọng trong việc tìm hiểu thiết kế.
TẠM KẾT
Sau cùng thì, dù bạn có biết có bao nhiêu tips, có 1 điều tiên quyết là bạn phải bắt đầu xắn tay áo lên thực hành. Không quá khó hiểu nếu 1 ngày bạn cảm thấy choáng trước số lượng kiến thức vô biên xoay quanh thiết kế đồ họa, nhưng hãy tự nhắc bản thân rằng “Ngay cả những designer tài năng nhất, họ cũng từng bắt đầu như bạn”.
Còn nếu bạn muốn khởi động hành trình cùng những người bạn để có định hướng rõ ràng hơn, hãy tham khảo các khóa học thiết kế dành cho người mới bắt đầu ở colorME tại đây nhé!