Cách dùng kính lọc giảm sáng để chụp ảnh phong cảnh
- Đồ hoạ máy tính là gì? Những điều nên biết về đồ hoạ máy tính
- Wacom hay iPad? Nên chọn cái nào để vẽ hình minh hoạ?
- Khắc phục nhanh gọn 03 Lỗi Con Trỏ Trong Photoshop
- Hướng dẫn thao tác đơn giản với Stroke trong Illustrator
- Cảm hứng sáng tạo từ 10 Website thiết kế theo phong cách Minimalism
- 10 Brush trong Digital Painting cho người mới bắt đầu
Kính lọc giảm sáng là gì
Ngay tên gọi của nó đã bộc lộ được bản chất của loại phụ kiện nhiếp ảnh này. Kính lọc giảm sáng (còn được gọi là kính ND - Neutral Density) là thiết bị dùng để chặn bớt ánh sáng. Kết quả là chỉ ít ánh sáng đi qua ống kính và đi vào cảm biến máy ảnh (hoặc phim).
Tại sao kính ND lại hữu dụng? Thứ nhất, nó sẽ giúp cho những bức ảnh bạn chụp không bị lỗi cháy sáng, và thứ hai là nó cung cấp cho bạn một công cụ để kiểm soát tốc độ màn trập.
Có nhiều cách để đo mức độ cản ánh sáng của kính ND. Ở đây chúng ta nên tìm hiểu thêm một khái niệm gọi là stop. Một stop là nhiều gấp đôi hoặc giảm một nửa số lượng ánh sáng cho phép khi chụp ảnh. Kính ND thông thường có các mức độ cản sáng là 1 stop (0,3 hoặc ND2), 2 stop (0,6 hoặc ND4), 3 stop (0,9 hoặc ND8), 6 stop (1,8 hoặc ND64), 10 stop (3,0 hoặc ND1024). Một số hãng thậm chí còn sản xuất ra những chiếc kính 16 stop.
Bức ảnh dưới đây là chiếc máy ảnh được lắp kính ND 10 stop. Bạn có thể thấy phần kính lọc rất tối, hầu như không thể nhìn xuyên qua được.
Các loại kính ND khác nhau
Kính ND thông thường sẽ lọc ánh sáng đồng đều trên toàn bề mặt kính. Có một loại kính chỉ lọc ánh sáng trên một nửa thấu kính, gọi là kính lọc giảm sáng phân chia (kính GND). Kính này sẽ có một nửa trong suốt, một nửa mờ đục. Nó dùng để chụp các tấm ảnh phong cảnh có đường chân trời.
Hình ảnh dưới đây là kính lọc 2 stop hình vuông của hãng Lee (Anh quốc) được gắn trên ống kính máy ảnh. Một nửa phía trên tối màu để chặn bớt ánh sáng, nửa phía dưới bình thường.
Dùng kính GND chụp phong cảnh
Kính GND thường được các nhiếp ảnh gia sử dụng để kiểm soát phơi sáng khi chụp ảnh.
Hãy tưởng tượng bạn chụp một tấm ảnh phong cảnh có bầu trời và mặt trời đang mọc. Ở trong khung cảnh này, bầu trời sẽ sáng hơn các vật ở tiền cảnh. Nếu bạn đặt phơi sáng chuẩn cho bầu trời, thì cảnh vật ở phía gần bạn sẽ tối om. Ngược lại, nếu bạn đặt phơi sáng cho tiền cảnh, bầu trời sẽ bị cháy sáng.
Sử dụng kính GND sẽ làm giảm ánh sáng từ bầu trời mà không ảnh hưởng đến các cảnh vật ở phía gần người chụp. Ví dụ một bầu trời mà sáng hơn 3 stop so với tiền cảnh thì bạn có thể sử dụng một kính GND 3 stop để cân bằng ánh sáng trong tấm ảnh.
Đây là ví dụ để minh chứng cho các tấm ảnh chụp trước và sau khi gắn kính GND
Ở tấm ảnh đầu tiên, nhiếp ảnh gia đặt phơi sáng chuẩn. Kết quả là một nửa phía dưới tấm ảnh bị quá tối. Có thể sử dụng phần mềm Lightroom để làm sáng phần bị tối, nhưng nó sẽ xuất hiện nhiễu.
Ở tấm ảnh dưới nhiếp ảnh gia đã tăng phơi sáng lên 2 stop. Kết quả là phần tiền cảnh đã sáng hơn nhưng bầu trời đã bị dư sáng. Có thể dùng Lightroom để chỉnh sửa nhưng nó sẽ không hiện được các chi tiết trên bầu trời đã bị mất đi khi chụp (chẳng hạn như các đường nét của đám mây).
Tấm ảnh dưới này nhiếp ảnh gia đã sử dụng kính GND 3 stop. Tấm ảnh được chụp có ánh sáng cân bằng, cảnh vật xuất hiện rõ ràng, chi tiết.
Ưu điểm của việc sử dụng kính GND là nó cho phép nhiếp ảnh gia chụp các tấm ảnh phơi sáng lâu hơn mà không cần phải dùng đến tính năng chụp bracket (chụp cùng lúc nhiều tấm ảnh với các mức phơi sáng khác nhau). Tấm ảnh chụp buổi chiều ở trên có thời gian phơi sáng là 6 phút.
Kính GND cũng giúp nhiếp ảnh gia tiết kiệm thời gian xử lý tiền kỳ, và không cần phải sử dụng các kỹ thuật trộn sáng hay HDR trong phần mềm Lightroom. Kính GND là cách duy nhất để nhiếp ảnh gia cân bằng phơi sáng giữa tiền cảnh và bầu trời mà không phải dùng đến các phần mềm xử lý hậu kỳ.
Nhược điểm của kính GND
Ngoài ưu điểm thì kính GND cũng có những hạn chế nhất định.
Đầu tiên, kính GND sẽ không làm việc hiệu quả khi một vật nào đó chen vào đường chân trời, chẳng hạn như một cái cây hay một ngọn núi.
Tấm ảnh ở dưới là một ví dụ minh họa. Bầu trời chiếm một phần nhỏ trong khung hình. Nhiếp ảnh gia không thể nào chụp được một tấm hình bầu trời đủ sáng mà không làm cho tảng đá nhô lên bị tối. Giải pháp duy nhất ở đây là phải chụp 2 tấm ảnh với độ phơi sáng khác nhau, một tấm cho bầu trời và một tấm cho tảng đá. Sau đó nhiếp ảnh gia sẽ trộn 2 tấm ảnh này trong khâu xử lý hậu kỳ để đạt được độ sáng mong muốn.
Một nhược điểm khác của kính GND là giá thành khá đắt đỏ. Một bộ kính GND của hãng Lee (Anh quốc) có giá 275 USD, còn kính của hãng Cokin Z-pro có giá 184 USD.
Cho dù có giá thành cao nhưng nhiều nhiếp ảnh gia vẫn thích sử dụng kính lọc giảm sáng bởi vì nó sẽ đem lại cho họ những bức ảnh phong cảnh tuyệt đẹp.
Kính ND và ảnh chụp phong cảnh
Nhiếp ảnh gia sử dụng kính ND để kiểm soát một cách sáng tạo tốc độ màn trập. Bạn hãy tưởng tượng về thiết lập mức phơi sáng cho ảnh chụp phong cảnh. Thông thường người chụp sẽ thiết lập ISO ở mức thấp nhất và khẩu độ f/11 hoặc f/16. Thiết lập này cho phép bạn tạo ra một tấm ảnh có chất lượng cao nhất (ISO thấp) và trường ảnh sâu (khẩu độ hẹp).
Tốc độ màn trập cần thiết để tạo ra một tấm ảnh có độ phơi sáng chuẩn sẽ phụ thuộc vào ánh sáng môi trường. Nếu cảnh vật sáng sủa, tốc độ màn trập có thể là 1/125 giây. Nếu chụp vào lúc chiều tà khi ánh sáng yếu, tốc độ màn trập có thể là 1/2 giây.
Nhưng nếu nhiếp ảnh gia muốn có một tốc độ màn trập lâu hơn thì sao? Đó là lúc họ phải viện đến kính ND. Phụ kiện này chặn ánh sáng nên người chụp có thể có tốc độ màn trập lâu hơn. Phơi sáng lâu sẽ làm cho các thành phần chuyển động trong phong cảnh (như nước biển và mây) mờ đi, tạo ra các tấm ảnh đầy tính sáng tạo.
Hai tấm ảnh ở phía dưới là ví dụ cho kỹ thuật chụp phơi sáng dài. Nhiếp ảnh gia đã để phơi sáng tới vài phút để làm mờ chuyển động của nước biển và mây. Tấm ảnh dưới được chụp với ISO 200, khẩu độ f/11 và tốc độ màn trập 1/125 giây.
Với kính ND, nhiếp ảnh gia đã thiết lập được tốc độ màn trập (thời gian phơi sáng) là 210 giây. Kết quả là tấm ảnh đã thay đổi đáng kể, trở nên huyền ảo hơn.
Nên mua loại kính giảm sáng nào?
Có rất nhiều loại kính ND và GND trên thị trường cho người dùng lựa chọn. Có 2 yếu tố để lựa chọn kính ND là giá thành và ống kính máy ảnh đang sử dụng. Tùy túi tiền của người chụp mà họ có thể sắm cho mình những bộ kính đắt tiền hay rẻ tiền. Ngoài ra, ống kính máy ảnh mà họ đang sử dụng cũng là yếu tố cần quan tâm. Ống kính trên máy càng to thì phải mua kính ND to để che phủ được phần thấu kính phía trước.
Tác giả bài viết này đang sử dụng bộ kit 77mm SuperSlim Firecrest ND Long Exposure Filter. Bộ kit này bao gồm 3 kính ND 3, 6 và 10 stop, tương thích với ống kính Canon, Sony, Nikon, Tokina, Sigma, Zeiss, Panasonic, Tamron, Samyang, Rokinon. Với bộ kit này, nhiếp ảnh gia có thể dùng một lúc 2 tấm kính để tạo ra mức giảm sáng là 9, 13 hoặc 16 stop. Loại kính ND tròn trong bộ kit này có giá thành rẻ hơn kính vuông nên đó là một sự lựa chọn hiệu quả cho những người không dư giả về tài chính.
Lưu ý là nếu người chụp muốn sử dụng một kính ND cho nhiều ống kính, họ có thể mua loại kính ND lớn nhất, sau đó dùng phụ kiện "step-down ring" để lắp cho những ống kính có kích thước nhỏ hơn.
Còn đối với kính GND, tác giả bài viết đang sử dụng bộ kit Seven5 của hãng Lee. Bộ kit này bao gồm các phụ kiện holder, adapter ring và 4 kính GND. Bộ kit Lee Seven5 có giá thành rẻ hơn bộ Lee đầy đủ (full size filters). Seven5 được thiết kế dành cho các máy ảnh không gương lật (mirrorless). Tấm ảnh dưới đây được tác giả thực hiện với kính GND trong bộ Seven5.
Nguồn: vuanhiepanh