Cẩm nang chụp Film: review Kodak ColorPlus 200 - “quốc dân” một thời
Kodak ColorPlus 200 là cuộn film rất quen thuộc đối với những tay “chơi film” dù mới vào nghề hay đã chụp lâu năm. Trên thực tế, số lượng các loại film xuất hiện tại Việt Nam còn lại khá khiêm tốn. Vì vậy trong series bài viết này, ColorME sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về 1 trong những sự lựa chọn hiếm hoi còn lại đó. Sẵn sàng xem ảnh và rút ra nhận xét cho riêng mình nhé!
- Pop Art là gì? trọn bộ Tips làm pop Art ấn tượng
- Học Illustrator: Những điều bạn ước giá như được biết sớm hơn!
- Top 3 khoá học Digital Painting hàng đầu tại Hà Nội năm 2024
- 10 công cụ giúp bạn tự thiết kế phông chữ cho riêng mình
- Hướng dẫn khắc phục lỗi "it only works with OpenGL enabled document windows"
- Vintage là gì? 10 Font chữ vintage đẹp được Việt hoá
I. Lịch sử và thông số
I.1. Lịch sử
Kodak ColorPlus 200 thì hẳn là cuộn film sản xuất bởi hãng Kodak rồi! Cuộn film này khá “trẻ”, có lẽ bắt đầu được ra mắt vào thập niên 2000s, nhưng “phả hệ” của nó thì khá là dài đó.
Khi mở cuộn film từ hộp giấy ra, bạn có để ý rằng phần lõi film ghi là “Kodacolor 200”, khác hẳn trên hộp không? Đó chính là dấu tích từ những “người tiền nhiệm”. Theo tìm hiểu thì quá trình Kodak phát triển ra cuộn film Kodak ColorPlus 200 như ngày nay như sau:
- Kodacolor II (1972)
- Kodacolor VR 200 (1983)
- Kodacolor Gold 200 (1987)
- Kodacolor 200 (2001)
- Kodak ColorPlus 200 (phiên bản đầu tiên sản xuất tại Trung Quốc hộp màu vàng như ảnh dưới)
(tham khảo myfavouritelens.com)
I.2. Các thông số của cuộn film 35mm này:
- ISO: 200
- Cân bằng trắng: 5500K
- Số kiểu: 24, 36
- Tráng: C-41
Cuộn film này hướng tới người dùng phổ thông, nên có mức giá rẻ nhất trong số các cuộn film của Kodak. Vì yếu tố này nên Kodak ColorPlus được coi là “cuộn film quốc dân”, từ sinh viên đến “trong ngành” đều có thể trải nghiệm. Tuy nhiên câu chuyện về giá của cuộn film này trong 2 năm trở lại đây (từ 2018) khiến biệt danh của nó dài thêm: “quốc dân một thời”:
Thời điểm cuối năm 2018, tôi có thể dễ dàng mua cuộn film 36 kiểu này với giá khoảng 60-70 nghìn đồng, không tệ. Thậm chí còn có thể mua tặng bạn vào ngày sinh nhật không đắn đo nhiều!
Thế nhưng vào tháng 2/2019, hãng đối trọng với Kodak là Fujifilm thông báo nâng giá tất cả film lên 30% vì chi phí nguyên vật liệu gia tăng. Mức giá film Kodak trên thị trường đã rục rịch đi lên, đến cuối năm 2019, Kodak ColorPlus 200 cùng “người bạn” cùng phân khúc là Fuji C200 đã chạm mốc 100 nghìn đồng trên kệ film.
Credit: Uyen Nguyen | Group “Humans of FILM”
Mọi chuyện tệ hơn khi bước vào năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh trên toàn cầu, nguồn cung từ Trung Quốc bị hạn chế, kèm theo những biện pháp “tạm đóng cửa”, khiến cho giá Kodak ColorPlus có lúc chạm tới 160k/ cuộn 36 kiểu - bằng giá cuộn film cao cấp Kodak Ektar 100 chỉ 1 năm trước đó.
May thay Việt Nam chúng ta kiểm soát dịch bệnh rất tốt nên vào tháng 5/2020 mọi hoạt động dần bình thường trở lại, giá film cũng hạ nhiệt, nhưng không thể quay về như trước kia. Đến thời điểm hiện tại (8/2020), Kodak ColorPlus 200 có giá khoảng 130k/ cuộn 36 exp.
I.3. So sánh với các dòng film Kodak khác
Vì cùng có ISO 200 nên Kodak ColorPlus 200 hay được so sánh với Kodak Gold 200. Nhưng tin mình đi, Kodak Gold đem lại cảm giác khác và thích thú hơn hẳn (tiền nào của ấy). Hơn nữa Kodak Gold, Kodak Ultramax là dòng film bán chuyên nên chụp người hay chụp cảnh thì màu sắc đều ổn hơn Kodak ColorPlus 200 tương đối.
Tuy nhiên nói vậy không có nghĩa là chụp Kodak ColorPlus không ổn nha, việc bạn chụp 1 cuộn film thật đã rất tuyệt vời so với việc dùng filter trên ứng dụng rồi! Đọc tiếp phần sau là biết nè!
II. Đặc điểm & màu sắc
- Màu sắc: với cân bằng trắng mức 5500K, Kodak ColorPlus 200 có tone màu vàng ấm, khi chụp trời xanh lên màu khá chân thật, nhưng khi chụp màu đỏ thì hơi ngả sang màu cam.
- Khả năng xử lý thừa & thiếu sáng: Kodak ColorPlus thuộc dòng film phổ thông nên xử lý thiếu sáng không được tốt lắm, bị mất chi tiết vùng shadow và nhiều grain. Ảnh thừa sáng thì có xu hướng ngả sang vàng hơn.
Màu tấm ảnh film phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ ngoại cảnh đến kĩ thuật. Để hình dung cụ thể hơn thì hãy đọc phần tiếp theo để thấy cụ thể hơn nhé!
III. Trăm nghe không bằng 1 thấy!
III.1. Chụp đường phố (Street Photography)
Kodak ColorPlus 200 có vẻ như là 1 lựa chọn rất tốt cho thể loại đường phố bởi giá thành “mềm” nhất trong dòng film Kodak. Bên cạnh đó việc có ISO thấp sẽ giúp ảnh chụp ít bị grain, rất hợp chụp ngoài trời.
Để thấy Kodak ColorPlus 200 chụp street “thần thánh” thế nào, mình xin giới thiệu một số tác phẩm của anh Thạch Long, hiện đang sống tại Nhật Bản. Những bức ảnh trông cực kì trong trẻo, 1 phần nhờ tiết trời tại Nhật, 1 phần cũng do màu sắc trung tính, sát thực tế của Kodak ColorPlus 200.
Credit: Thạch Long | Group “Humans of FILM”
Quay về với đường phố Việt Nam xem sao! Không có tiết trời trong trẻo như Nhật Bản nhưng bù lại bầu trời xanh lên màu rất chân thực và “gây thương nhớ”...
Credit: Lê Thảo, Thanh Hà | Group “Humans of FILM”
III.2. Chụp biển
Nhiều bạn mới bước chân vào “hố vôi” film thường hỏi “đi biển chụp film gì cho đẹp?”. Kodak ColorPlus 200 cũng là 1 lựa chọn tốt khi màu xanh của biển buổi chiều lên ảnh tương đối đẹp!
Credit: An Le, Trọng Quyết | Group “Humans of FILM”
Tuy nhiên nếu chụp thừa sáng chút thì có thể sẽ không thu được màu xanh như ý muốn, nhưng không sao, ghi lại khoảnh khắc là được đúng không nhỉ?
Credit: Chieu Anh Ho Nguyen, Thạch Long | Group “Humans of FILM”
III.3. Chụp hoàng hôn
Với tone màu vàng cam, hoàng hôn chụp bởi Kodak ColorPlus 200 sẽ có màu cam - tím khá mềm mại và tâm trạng.
Credit: Nguyễn Ngọc Hải, Thạch Long | Group “Humans of FILM”
III.4. Chụp chân dung
Trường hợp hay gặp nhất khi chụp chân dung bằng Kodak ColorPlus 200 chính là màu da người mang 1 màu hơi ngả đỏ (không có nắng), đậm chất vintage cũ kỹ. Còn nếu muốn màu da sáng đẹp hơn thì bạn cứ mạnh dạn chụp dư sáng hoặc cho mẫu đứng nơi có nắng là được!
Credit: Nhi Đông Từ Hoàng, Nguyễn Minh Tuấn | Group “Humans of FILM”
III.5. Chụp trong nhà (indoor)
Với cuộn film có ISO thấp (200) thì nên hạn chế chụp indoor vì phải để tốc chậm thì mới đủ sáng. Như đã nói ở trên thì Kodak ColorPlus 200 xử lý thiếu sáng không tốt lắm nên vùng tối (shadow) sẽ mất chi tiết và bị nhiều grain. Vùng highlight vẫn ám nhẹ màu vàng đặc trưng.
Credit: Bùi Nguyễn Phương Lâm, Khoa Văn | Group “Humans of FILM”
I.V. Đánh giá & Tips
I.V.1. Nên chụp màu sắc thế nào?
- Màu vàng/ cam: tone ấm áp sẽ tôn màu vàng tươi/ rực hơn, nếu chụp dưới nắng thì chỉ cần đủ sáng là đẹp nhé
Credit: Thạch Long, Nguyễn Tuyền | Group “Humans of FILM”
Credit: Nguyễn Ngọc Hải, Nguyễn Như | Group “Humans of FILM”
- Màu xanh dương: bầu trời, mặt biển,...Chú ý chụp đúng sáng hoặc dư sáng 1-2 stop để thu được màu xanh dương đậm-nhạt tùy ý!
Credit: Lê Hoàng Yến, Lưu Thảo Trang | Group “Humans of FILM”
- Màu xanh lục: thử chụp tán lá, chụp bãi cỏ đúng sáng hoặc thiếu sáng 1 chút để trải nghiệm nhé!
Credit: Nguyễn Bảo Châu, Thạch Long | Group “Humans of FILM”
Credit: Nguyễn Phương Thảo, Thạch Long | Group “Humans of FILM”
Lưu ý: Khi chụp màu đỏ bằng Kodak ColorPlus 200, màu bị ngả sang cam nên hãy cân nhắc khi muốn chụp những đối tượng cần đúng màu đỏ mãnh liệt và rực rỡ nhé (ví dụ lá Quốc Kỳ chẳng hạn)
Credit: Chieu Anh Ho Nguyen, Thảo Nguyên | Group “Humans of FILM”
I.V.2. Xử lý vài trường hợp cụ thể?
- Chụp trong nhà: nên chụp ở nơi có nguồn sáng đầy đủ, chủ thể đặt trong ánh sáng, hạ tốc chụp xuống và chắc tay (có thể set chân máy cho chắc chắn). Đo sáng vào vùng tối và chỉnh đúng sáng hoặc thiếu 1 stop (để vùng sáng không bị cháy)
Credit: Chieu Anh Ho Nguyen, Hữu Tuấn | Group “Humans of FILM”
- Chụp biển/ hồ: Ngoài cách chụp đúng sáng để thu lại màu xanh dương đẹp, các bạn có thể thử thêm thủ pháp: khép khẩu độ lại tầm f/8 - 11 để rõ những gợn sóng và nhìn rõ mặt trời. Biết đâu lại đem lại những tấm hình lạ hay ho đó.
Credit: Nguyễn Bảo Châu, Thảo Linh | Group “Humans of FILM”
- Chụp chân dung: Để khắc phục màu da trên ảnh bị ngả đỏ thì chụp dư sáng 1-2 stop và “đặt” mẫu ở nơi có ánh sáng, có hắt sáng thì càng tốt nha. Bạn cũng có thể sử dụng Flash
Credit: Thảo Nguyên, Nguyen Khuong | Group “Humans of FILM”
I.V.3. Đánh giá & Khuyến nghị
- Kodak Colorplus 200 vẫn đáng sử dụng trong phân khúc phổ thông. Về giá cả thì tùy vào người bán, nhưng đang ở mức 130-140k.
Giữa lựa chọn Kodak Colorplus 200 hoặc 1 cuộn film cine thì mình thường so sánh dựa theo chi phí trên 1 kiểu ảnh.
Chi phí trên 1 kiểu ảnh = (Giá cuộn film + tiền tráng film) / số kiểu chụp được
Màu sắc nên chụp: vàng, cam, xanh dương, xanh lục.
Nên chụp: đường phố, biển, hoàng hôn.
Credit: Bảo Lâm, Nguyễn Ngọc Hải | Group “Humans of FILM”
Nên tráng và scan thế nào? Theo mình, lựa chọn máy scan như sau:
- Scan không viền: chụp chân dung/ chụp với ánh sáng tốt, tương phản cao/ chụp 1 màu sắc chủ đạo rõ ràng.
- Scan có viền: muốn màu sắc trông vintage hơn/ chụp biển/ chụp chân dung indoor hoặc hơi thiếu ánh sáng.
TẠM KẾT
Hi vọng qua bài viết này, mình đã giúp những bạn mới chơi film có được cái nhìn tổng quan về cuộn film quốc dân 1 thời - Kodak Colorplus 200. Nếu bạn muốn có 1 nền tảng kiến thức, kỹ thuật để mau thành thạo chụp film và tự định hình được phong cách “chơi ảnh” của mình, hãy tham khảo khóa học Nhiếp ảnh (Photography) của ColorME ngay nhé! Sẽ có studio và buổi dã ngoại để bạn thực hành luôn đó!