Pattern nhập môn kì 1
Pattern nhập môn kì 1
Điều đầu tiên bạn nhớ tới khi nghĩ đến pattern là gì? Sàn nhà gạch bông trong những quán cà phê cổ, rèm cửa hoa lá xấu ơi là xấu của bà ngoại, hay vỏ chăn mẹ mua cho hồi bé.. với mình là họa tiết lòe loẹt trên đôi tất của thằng bạn thân hay trần phòng học colorME Chùa Láng :) Pattern ở khắp mọi nơi.
Bước đầu trong series nhập môn Pattern, mình sẽ lý giải khái niệm về pattern, vì sao pattern lại thú vị đến thế và kể bạn nghe 2 kiểu thiết kế pattern thường gặp.
Tổng hợp và trình bày: Lưu Như Ngọc Thảo.
Nguồn tham khảo: https://99designs.com/blog/trends/pattern-design/
GIẢI NGHĨA P A T T E R N
Hiểu đơn giản, pattern xuất hiện khi có sự lặp đi lặp lại các yếu tố hình học, biểu tượng, hình vẽ. Trong thiết kế pattern, sự lặp lại này có thể diễn ra theo một hay nhiều quy luật. Sự thay đổi pattern phụ thuộc vào những loại hình vẽ được tạo ra và quy luật lặp lại của chúng.
Bằng việc thiết kế những hình vẽ kết hợp với các khoảng trắng có quy luật lặp lại, não người xem nhận ra sự lặp lại đó và khi ấy, chúng ta cảm thấy thiết kế có trật tự nhất định. Chính cảm giác từ sự hài hòa có trật tự khiến cho chúng ta luôn cảm thấy hay ho khi ngắm nhìn những thiết kế pattern.
Mặc dù rất chi là xu hướng hiện nay, nhưng thú vị là khởi nguồn của pattern được sinh ra từ các sinh vật trong tự nhiên – quả thanh long chưa bỏ hạt, họa tiết trên vỏ sò, lớp vân gỗ trên mặt cắt của cây, một cánh đồng hoa từ trên cao nhìn xuống, hay bức tranh hàng hàng lớp lớp cây mình quan sát được khi tản bộ trong khu rừng. Và thú vị khi các thiết kế pattern đầu tiên của loài người chính là những hình vẽ trong hang động nguyên thủy, chứa đựng những câu chuyện về lịch sử, văn hóa của cả một cộng đồng loài người.
NHỮNG KIỂU THIẾT KẾ PATTERN THƯỜNG GẶP (phần 1)
Có thể phân loại pattern dựa trên loại hình vẽ và cấu trúc sắp đặt các yếu tố trong thiết kế. Dưới đây là một vài kiểu pattern và ứng dụng thực tế mỗi loại. Ở kỳ này mình sẽ giới thiệu 2 kiểu pattern cơ bản.
1/ GEOMETRIC PATTERN
Cách dễ nhất để tạo nên pattern là đặt các yếu tố lặp lại với khoảng cách đều nhau. Từ “geometric” (hình học) ở đây không nhằm nói đến loại hình vẽ trong pattern, mà để chỉ tới dạng lưới hình học của thiết kế. Giả sử nếu đặt trên 1 hệ thống lưới, với mỗi yếu tố hình vẽ được đặt trong 1 ô vuông. Nếu khoảng cách giữa các ô vuông đều nhau, pattern sẽ có tính trật tự. Ngược lại khi khoảng cách không đều, thiết kế sẽ trở nên lộn xộn một chút.
Minh họa dưới đây là Bộ package của brand The Balcony Gardener.
Nếu lo lắng thiết kế rơi vào sự nhàm chán, bạn có thể thử xoay các hình vẽ theo 1 quy luật tùy ý.
Tất thiết kế của HappySocks.com
2/ ALLOVER PATTERN
Được thiết kế từ nhiều loại hình vẽ khác nhau và có cấu trúc không rõ ràng, vì vậy kiểu thiết kế Allover (toàn bộ) đem lại cảm giác thú vị và bắt mắt hơn nhiều so với Geometric pattern. Mục đích của Allover pattern thường là để lấp đầy không gian mà bởi vậy, chúng ta không cần quá chú trọng bất kỳ quy tắc lặp lại nào.
Ví dụ bên trái: Bao bì 1 nhãn hàng organic skincare, thiết kế bởi @ananana14 trên trang 99designs.com.
Ví dụ bên phải: Bao bì 1 nhãn hàng chỉ tơ nha khoa, thiết kế bởi Kim Sielbeck.
Bạn có thể sử dụng kiểu phối màu đơn sắc để hướng mắt người xem tới những yếu tố đồ họa khác trong thiết kế, hoặc dùng nhiều màu sắc để bản thiết kế trở thành một khối tổng thể. Những hình vẽ kiểu Allover có thể là hình kỷ hà, đôi khi là những hình nguệch ngoạc phức tạp. Với kiểu pattern này thì mọi thứ đều có thể miễn là bạn đảm bảo chú ý tới sự tương hợp với yêu cầu của thiết kế và tính chặt chẽ của pattern.
Tất thiết kế của HappySocks.com