Nostalgia Vibes kì 1 · vẻ đẹp hoang dại của sự hoài cổ
Nostalgia vibes kì 1 · vẻ đẹp hoang dại của sự hoài cổ
Nostalgia – sự hoài cổ - dường như đang trở thành một gu, hiện hữu từ phong cách thời trang, đến các loại hình nghệ thuật như âm nhạc, phim ảnh và thiết kế. Nó vốn không dành cho tất cả mọi người, không đơn giản trong cách thể hiện và chẳng dễ gì được tiếp cận. Nhưng giống như những kỷ niệm, cái đẹp của nostalgia là ở cảm giác đôi khi ấm áp, thân thuộc, đôi khi dữ dội, lại lạ lẫm thú vị ở chính kiểu đi ngược với các trào lưu hiện đại. Trong thiết kế, nostalgia nổi bật ở cả tính thẩm mỹ mà nó chứa đựng. Hãy cùng mình tìm hiểu cái đẹp của sự hoài cổ qua một vài xu hướng thiết kế được điểm mặt đặt tên, đầu tiên là Psychedelic Art và Vaporwave nhé.
Tổng hợp và trình bày: Lưu Như Ngọc Thảo.
Nguồn tham khảo:
How The Psychedelic 60s Changed Design Forever
RISE of Vaporwave, Memphis and Brutalism in Design
Poster White Rabbit, thiết kế bởi Joseph McHugh, 1967
Để có thể mang hơi hướng hoài niệm thì ưu tiên hàng đầu là trải nghiệm cảm xúc của người xem. Và vì thế, dường như chúng ta phải bỏ qua những hướng đi an toàn trong thiết kế hiện đại. Những tác phẩm Nostalgia đòi hỏi phải táo bạo trong việc dùng màu, kết hợp typography, dám chơi với những đường cong ngoằn ngoèo, những vệt mờ ảo, đổ khối và các kiểu hiểu ứng kì lạ khác.
PSYCHEDELIC ART – Nghệ thuật ảo giác thức thần.
Psychedelic được định nghĩa:
- Liên quan tới ảo giác, sự bóp méo trong cảm nhận và ý thức, đôi khi giống như tâm thần.
- Một loại thuốc gây nên những cảm giác trên.
- Một phong cách nghệ thuật ảnh hưởng từ những loại thuốc kích thích ảo giác, đặc biệt là LSD, với mô típ thiết kế gợi nhớ về thời kỳ Art Nouveau, điển hình là các vòng xoáy trừu tượng gợi cảm mờ ảo, không có khoảng trống, với những mảng màu đối lập mạnh mẽ và kiểu chữ viết tay khó đọc.
“Phong trào Psychedelic đã đưa mọi người tới những rung cảm sâu sắc hơn. Nghệ thuật không còn đơn thuẩn chỉ để trầm trồ, nó trở thành thứ khiến ta say sưa và cảm nhận.” - nhà phê bình nghệ thuật Ken Johnson.
Hình bên trái: poster của Wes Wilson – được biết đến trong những năm 60 với những thiết kế chữ có tính ảo giác, gợi cảm giác con chữ đang chuyển động hay tan chảy.
Hình bên phải: thiết kế của Bonnie Maclean .
Xuất hiện vào thập niên 60 - 70 khi mà tình hình thế giới có nhiều biến động, trào lưu nghệ thuật này đã phá bỏ những rào cản trong nhiều khía cạnh văn hóa đại chúng, tác động vào chính trị, xã hội và là một bước tiến thú vị, có ảnh hưởng tới cả thiết kế ngày nay. Điển hình có thể kể đến nghệ sĩ Kiryk Drewinski với những tác phẩm lấy cảm hứng từ phong trào Psychedelic trước đây. Hãy thử ngắm nghía những poster này nhé.
VAPORWAVE
So với Psychedelic Art, Vaporwave là một trong những phong trào được phổ biến hơn khoảng thời gian gần đây. Bài viết “Rise of Vaporwave, Memphis and Brutalism in design” trên trang Medium có đưa ra nhận xét rằng “nó khiến cho một vài người bối rối khi nhìn vào, trong khi những người khác thậm chí chẳng buồn lí giải vì sao mà một cách tự nhiên, nó lại mang tính thẩm mỹ cao đến thế”.
(Nguồn ảnh: bài viết Rise of Vaporwave, Memphis and Brutalism in Design, medium.com)
Vaporwave đơn giản là một thể loại âm nhạc phổ biến trên Reddit và Tumblr vào khoảng 2010, với các MV được ảnh hưởng từ nhạc điện tử, jazz, funk hay new age của những năm 80. Đánh dấu sự ra đời của Vaporwave có thể kể đến là phần thiết kế minh họa MV “Computing of Lisa Frank 420//contemporary” của MACINTOSH PLUS.
Để nói về đặc điểm thị giác, tác phẩm thường nổi bật với những bức ảnh có hiệu ứng Glitch, typography với lối thiết kế những năm 2000 (Word Art), tượng Roman, các yếu tố nhiệt đới (như cây dừa, đại dương, núi, cá heo..), hoặc hình ảnh gắn với văn hóa Nhật Bản (các kí tự, hình ảnh thành phố), đồ họa phong cách 8bit pixel, hình tảng băng ...
Hiệu ứng đổ màu gradient xuất hiện trong các tác phẩm với những màu thường được sử dụng là hồng, tím, xanh nước biển tạo ra những dải màu như màu bầu trời, gợi độ sâu cho thiết kế và tăng tính thẩm mỹ cho tác phẩm.
Ảnh: nguồn fanpage Bangla Aesthetics
Một ứng dụng của Vaporwave cho bìa album nhạc hiphop, thiết kế bởi Aaron Campbell.